Đau Cổ Gáy
Giới thiệu
Đau cổ gáy là tình trạng đau ở cột sống cổ hoặc xung quanh cột sống cổ. Đau cổ gáy là triệu chứng phổ biến của chấn thương và các tình trạng bệnh lý khác nhau. Các nguyên nhân phổ biến bao gồm kéo căng cơ bắp, tư thế xấu, căng thẳng tinh thần, viêm xương khớp, hẹp ống sống, thoát vị đĩa đệm, dây thần kinh bị chèn ép, khối u và các tình trạng sức khỏe khác.
Đau cổ gáy có thể là cấp tính (kéo dài từ vài ngày đến sáu tuần) hoặc mạn tính (kéo dài hơn ba tháng).
Đau cổ có thể cản trở các hoạt động hàng ngày của bạn và làm giảm chất lượng cuộc sống nếu không được điều trị.
May mắn thay, hầu hết các nguyên nhân gây đau cổ đều không nghiêm trọng và sẽ được cải thiện bằng các phương pháp điều trị bảo tồn như dùng thuốc giảm đau, tập thể dục và kiểm soát căng thẳng.
Đau cổ gáy là tình trạng phổ biến, ảnh hưởng đến 10% đến 20% người trưởng thành. Tỉ lệ mắc bệnh tăng lên khi càng lớn tuổi.
Biểu hiện của đau cổ gáy
- Cơn đau lan từ cổ gáy lan đến vai hoặc cánh tay.
- Cảm giác căng cứng ở cổ, vai và lưng trên.
- Đau như dao đâm hoặc bỏng rát hoặc âm ỉ.
- Hoặc cảm giác tê, châm chích ở vai hoặc cánh tay.
- Không thể quay cổ hoặc nghiêng đầu.
Nguyên nhân của đau cổ gáy
Đau cổ có thể là kết quả của những thay đổi về thể chất liên quan đến căng thẳng, chấn thương hoặc lão hóa, bao gồm:
Lão hóa:
Khi lớn tuổi, các bộ phận của cột sống cổ bị thoái hóa như viêm xương khớp (mòn sụn khớp) và hẹp ống sống cổ có thể dẫn đến đau cổ gáy.
Theo thời gian, sự đè nén và cử động lặp đi lặp lại có thể khiến các đĩa đệm ở cột sống của bạn yếu đi, gây thoát vị đĩa đệm hoặc chèn ép dây thần kinh.
Căng cứng cơ vùng cổ:
Việc sử dụng quá mức các cơ vùng cổ trong các hoạt động lặp đi lặp lại hoặc gắng sức có thể dẫn đến cứng và đau. Tư thế xấu, cơ bụng yếu và cân nặng lớn có thể ảnh hưởng đến trục của cột sống và góp phần gây đau cổ gáy.
Ví dụ co cơ để nâng giữ cổ khi xem màn hình máy tính trong thời gian dài là nguyên nhân phổ biến gây đau cổ gáy.
Đau cân cơ cổ
Đau cân cơ (myofascial pain) là một chứng rối loạn gây ra các vùng cơ căng cứng và nhạy cảm đau với áp lực. Đau cân cơ ở cổ có thể xuất hiện sau chấn thương hoặc có thể xảy ra với các tình trạng khác, chẳng hạn như căng thẳng tâm lý, lo lắng, trầm cảm hoặc mất ngủ.
Căng thẳng tinh thần:
Việc co cứng cơ cổ khi căng thẳng có thể dẫn đến đau cổ và cứng khớp. Nhiều người co cứng các cơ này khi căng thẳng hoặc bị kích động mà không nhận ra mình làm điều đó cho đến khi cổ họ bắt đầu đau.
Chấn thương:
Chấn thương gây tổn thương cơ, dây chằng, đĩa đệm, khớp đốt sống và rễ thần kinh trong tủy sống có thể dẫn đến đau cổ. Chấn thương cổ trong tai nạn ô tô là một chấn thương phổ biến gây đau cổ gáy.
Bệnh lý tăng sinh:
Các khối chèn ép bao gồm khối u, nang dịch và gai xương, có thể chèn ép rễ hoặc dây thần kinh ở cổ, gây đau.
Các tình trạng sức khỏe khác:
Đau cổ có thể gặp trong nhiều bệnh lý khác bao gồm viêm màng não, viêm khớp dạng thấp và ung thư…
Chẩn đoán
Thông thường chỉ cần hỏi bệnh và khám lâm sàng có thể chẩn đoán được hầu hết các nguyên nhân gây đau cổ gáy. Tuy nhiên cần loại trừ các nguyên nhân nguy hiểm như chèn ép tủy sống, bệnh tủy, nhiễm trùng hoặc ung thư.
Tiền sử bệnh:
Người bệnh cần cung cấp các thông tin như:
- Tiền căn chấn thương cổ có thể liên quan đến tổn thương cổ do giật mạnh hoặc thoát vị đĩa đệm.
- Công việc và các hoạt động hàng ngày khác có thể gây đau căng cổ.
- Thời điểm bắt đầu bị đau, vị trí đau, tổng thời gian bị đau, mức độ bị đau.
Khám thực thể:
Bác sĩ sẽ kiểm tra trục của cột sống cổ, tầm vận động của cổ
Sờ vào các cơ vùng cổ để đánh giá mức độ căng cơ
Các xét nghiệm hình ảnh
Thường thì không cần thiết chụp hình ảnh học để xác định nguyên nhân gây đau cổ gáy. Tuy nhiên, cần thiết nếu nghi ngờ có chấn thương nghiêm trọng hoặc nếu người bệnh bị đau dữ dội hoặc không cải thiện khi điều trị.
Chụp X-quang:
Chụp X-quang có thể cho thấy các vấn đề như gãy xương, trượt đốt sống, viêm khớp hoặc tổn thương mô mềm có thể gây đau cổ.
Chụp cộng hưởng từ (MRI):
MRI có thể cho thấy các vấn đề với tủy sống, dây thần kinh, tủy xương và mô mềm. Nó có thể cho biết có trượt đĩa đệm hay không, hay các dấu hiệu nhiễm trùng và các khối u có thể gây đau cổ.
Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan)
Chụp CT Scan có thể được sử dụng nếu không có MRI. Nó có thể cho thấy các gai xương và dấu hiệu thoái hóa xương.
Điện cơ dẫn truyền và điện cơ kim:
Kiểm tra chức năng của dây thần kinh và cơ.
Xét nghiệm máu
Xác định nguyên nhân do nhiễm trùng, bệnh thấp khớp hoặc ung thư.
Điều trị đau cổ gáy
Điều trị nhằm mục đích giảm đau và cải thiện chuyển động ở cổ. Hầu hết các nguyên nhân gây đau cổ có thể điều trị tại nhà.
Thuốc giảm đau và thuốc giãn cơ:
Các thuốc được sử dụng phổ biến và đầu tiên cho đau cổ gáy là kháng viêm và thuốc thư giãn cơ.
Vật lý trị liệu:
Các bài tập và động tác giúp tăng cường cơ và gân ở cổ và cải thiện tính linh hoạt.
Tiêm steroid:
Một mũi tiêm gần rễ thần kinh có thể làm giảm viêm và giảm đau.
Phẫu thuật:
Hầu hết các nguyên nhân gây đau cổ đều không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, cần phải phẫu thuật nếu bị trượt đốt sống hoặc chèn ép tủy sống hay dây thần kinh.
Chăm sóc tại nhà
Tập thể dục
Hãy làm theo hướng dẫn của bác sĩ vật lý trị liệu về các bài tập cổ, có thể giúp giảm đau cổ gáy và cải thiện tầm vận động của cột sống cổ. Không nên tập thể dục nếu bị chấn thương cổ nghiêm trọng hoặc dây thần kinh bị chèn ép.
Kỹ thuật giảm căng thẳng:
Chánh niệm, thiền, các bài tập thở và yoga có thể giúp giảm căng thẳng trong cơ thể góp phần giảm đau cổ gáy.
Bỏ hút thuốc:
Hút thuốc làm tổn hại cấu trúc xương, đẩy nhanh bệnh thoái hóa đĩa đệm và làm chậm quá trình lành vết thương.
Đau cổ gáy kéo dài bao lâu?
Thời gian hết đau phụ thuộc vào nguyên nhân gây đau cổ gáy. Đau cổ do các vấn đề thường gặp như căng cơ và căng thẳng thường cải thiện trong vòng một hoặc hai tuần. Có thể mất vài tháng trước khi cơn đau biến mất hoàn toàn.
Phòng ngừa đau cổ gáy do căng cơ
Điều chỉnh tư thế làm việc:
Đặt các thiết bị điện tử như máy tính và điện thoại ở vị trí khi xem không cần phải cúi xuống hoặc căng cổ.
Giữ vai thẳng và lưng thẳng khi ngồi để không bị căng cổ. Điều chỉnh ghế ngồi trên ô tô để duy trì tư thế tốt khi lái xe.
Điều chỉnh tư thế ngủ:
Duy trì tư thế tốt khi bạn ngủ. Nếu bạn ngủ nằm ngửa hoặc nằm nghiêng, hãy dùng gối đỡ đầu để đầu và cổ thẳng hàng với phần còn lại của cơ thể.
Nếu bạn nằm ngửa khi ngủ, hãy đặt một chiếc gối dưới kheo để giảm thêm áp lực cho thắt lưng. Tránh ngủ sấp với tư thế nghiêng đầu.
Tránh duy trì một tư thế quá lâu:
Bạn có thể sử dụng nhiều bài tập tương tự được sử dụng để giảm đau cổ để ngăn ngừa tình trạng này. Nếu bạn làm công việc phải ngồi trong thời gian dài, hãy thỉnh thoảng nghỉ ngơi để di chuyển và kéo giãn toàn bộ cơ thể, bao gồm cả cơ cổ.
Không mang vật nặng trên vai
Tránh mang các vật nặng như túi sách hoặc balo trên vai. Thay vào đó, nên sử dụng hành lý hoặc túi có bánh xe.
Tập vật lý trị liệu
Xoay đầu sang 2 bên
Xoay đầu từ từ sang phải, đặt bàn tay phải lên cằm chống lại lực xoay và giữ 5-10s.
Xoay đầu từ từ sang trái, đặt bàn tay trái lên cằm chống lại lực xoay và giữ 5-10s.
Nghiêng đầu sang 2 bên
Nghiêng đầu sang phải, cố gắng chạm tai vào vai, sử dụng tay phải kéo đầu sát xuống vai. Giữ tư thế này 5-10s.
Nghiêng đầu sang trái, cố gắng chạm tai vào vai, sử dụng tay trái kéo đầu sát xuống vai. Giữ tư thế này 5-10s.
Gập cổ
Ở tư thế ngồi hoặc đứng. Cố gắng gập cằm xuống trước ngực. Giữ tư thế này 5-10s.
Tập luyện cơ duỗi lưng trên của bạn
Khi lớn tuổi cơ vùng lưng sẽ yếu đi làm vai và đầu ngã về phía trước làm tăng gánh nặng cho cơ cổ và lưng trên.
Các bài tập có thể giúp tăng cường cơ duỗi lưng trên của bạn bao gồm:
Khép 2 xương bả vai:
Người bệnh ngồi hoặc đứng, đưa 2 cánh tay ra phía sau sao cho hai xương bả vai khép lại với nhau.
Sau đó di chuyển cả 2 cánh tay nhịp nhàng từ trước ra sau và ngược lại. Lập lại trong khoảng 30s đến 1 phút.
Sau đó đưa 2 cánh tay ra sau hết sức và duy trì tư thế khép 2 xương bả vai này liên tục trong 10s.
Chống đẩy khi đứng:
Đặt 2 cẳng tay lên 2 cạnh bên của cửa với khuỷu thấp hơn vai, đưa người về phía trước sau cho toàn bộ thân người ra phía trước khung cửa, sau đó đẩy người về sau về vị trí ban đầu, làm 10 lần.
Sau đó đưa người về trước hết sức và duy trì tư thế này trong 10 giây đến 30 giây.
Sử dụng dây cao su:
Quấn phần giữa của dây cao su quanh tay nắm cửa để cố định dây cao su. Đứng với hai tay nắm 2 đầu dây cao su, sau đó kéo 2 đầu dây về eo sao đó thả ra. Thực hiện 10 lần.
Khi nào cần bác sĩ thăm khám
Nếu đau cổ gáy gây cản trở công việc hoặc các hoạt động hàng ngày khác.
Cần khám bác sĩ nếu đau cổ gáy kèm theo các dấu hiệu sau:
- Tiêu tiểu khó kiểm soát –> Nhập viện cấp cứu
- Yếu liệt tay chân hoặc khó khăn khi phối hợp động tác. –> Nhập viện cấp cứu.
- Đau cổ gáy sau khi bị tai nạn.
- Đau như điện giật khi gập cổ.
- Kèm theo đau đầu, chóng mặt, buồn nôn hoặc nôn.
- Kèm theo đau vai, đau khớp háng.
- Kèm theo ớn lạnh, sốt hoặc sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Kèm theo cảm giác tê hoặc ngứa ran ở cánh tay, vai hoặc chân.
- Kèm theo giảm thị lực.
- Không giảm đau khi đã dùng thuốc giảm đau thông thường.
- Đau kéo dài trên 1 tuần.
- Tiền căn ung thư, bệnh suy giảm miễn dịch.
Tài liệu tham khảo:
-
Neck Pain. https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/21179-neck-pain
Nếu quý khách có nhu cầu khám bệnh và tư vấn điều trị về vấn đề đau cổ gáy xin liên hệ Phòng Khám BS. Bảo Quốc