Đột Quỵ: Nguyên Nhân và Phòng Ngừa
Tổng quan đột quỵ
Đột quỵ là gì?
Đột quỵ xảy ra khi có dòng máu đến một phần của não bị tắc hoặc có sự chảy máu đột ngột trong nhu mô não hoặc khoang dưới nhện (trong hộp sọ).
Đột quỵ là một trường hợp khẩn cấp cần được chăm sóc y tế ngay lập tức để ngăn ngừa tổn thương vĩnh viễn. Do đó, nếu bạn hoặc người nhà của bạn có triệu chứng đột quỵ, hãy lập tức gọi điện thoại 115. Điều trị đột quỵ càng nhanh thì bạn càng có nhiều khả năng hồi phục.
Ai có thể bị đột quỵ?
Bất kỳ ai cũng có thể bị đột quỵ, từ trẻ em đến người lớn, nhưng có một số người có nguy cơ cao hơn những người khác. Tuy nhiên đột quỵ thường xảy ra ở người lớn tuổi (khoảng 2/3 số trường hợp sẽ trên 65 tuổi).
Ngoài ra còn có một số tình trạng bệnh lý làm tăng nguy cơ đột quỵ, bao gồm tăng huyết áp, tăng mỡ máu, đái tháo đường típ 2 hoặc nhịp tim không đều như rung nhĩ. Và biết rằng những người có tiền sử đột quỵ, hoặc bệnh lý mạch máu như nhồi máu cơ tim sẽ có nguy cơ cao bị đột quỵ tái phát.
Phân loại đột quỵ
Có 2 thể đột quỵ: đột quỵ thiếu máu và đột quỵ xuất huyết.
Đột quỵ thiếu máu não
Đột quỵ thiếu máu não là khi một phần não không nhận đủ lượng oxy và dinh dưỡng cần thiết do lưu lượng máu bị giảm. Điều này thường xảy ra do có thứ gì đó chặn các mạch máu trong não, làm giảm hoặc mất lưu lượng máu nuôi một phần của não.
Đột quỵ do thiếu máu não là phổ biến nhất và chiếm khoảng 80% tổng số ca đột quỵ. Nếu tình trạng thiếu máu não cục bộ này phục hồi trước khi gây được tổn thương não thì được gọi là cơn thoáng thiếu máu não. Ngược lại, nếu tình trạng thiếu máu cục bộ kéo dài và gây ra được tổn thương não thì được gọi là nhồi máu não.
Đột quỵ xuất huyết
Đột quỵ xuất huyết xảy ra khi có tình trạng chảy máu trong hộp sọ tự phát, tức là loại trừ các trường hợp xuất huyết do chấn thương. Tùy vào vị trí xuất huyết, mà thường gặp là xuất huyết não hoặc xuất huyết dưới nhện.
Xuất huyết não
Xảy ra khi một mạch máu bên trong não bị vỡ, gây chảy máu trong nhu mô não và chèn ép lên các mô não xung quanh.
Xuất huyết khoang dưới nhện
Xảy ra khi một mạch máu nằm trong khoang dưới nhện bị vỡ, gây chảy máu trong khoang dưới nhện.
Nguyên nhân gây đột quỵ là gì?
Nguyên nhân của nhồi máu não
Nhồi máu não thường xảy ra do cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu. Điều này xảy ra vì nhiều lý do như:
- Xơ vữa động mạch lớn cung cấp máu cho não
- Xơ vữa cung động mạch chủ.
- Rối loạn đông máu gây tăng đông (hội chứng kháng phospholipid).
- Rung nhĩ (đặc biệt khi xảy ra do ngưng thở khi ngủ).
- Bệnh lý tim mạch (u tim, tim bẩm sinh, bệnh cơ tim, huyết khối thất trái, tồn tại lỗ bầu dục, bệnh van tim, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng).
- Bệnh lý mạch máu nhỏ (gây tắc các mạch máu nhỏ trong não).
- Bệnh hồng cầu hình liềm.
Nguyên nhân của xuất huyết não
- Tăng huyết áp, đặc biệt khi tăng huyết áp trong thời gian dài hoặc tăng rất cao.
- Túi phình động mạch não có thể gây xuất huyết dưới nhện
- Xuất huyết trong khối u não (bao gồm cả ung thư).
- Các bệnh làm suy yếu hoặc gây ra những thay đổi bất thường trong mạch máu não (bệnh Moyamoya).
Các bệnh lý liên quan đột quỵ
Một số điều kiện và yếu tố khác có thể góp phần gây tăng nguy cơ đột quỵ ở một người. Bao gồm:
- Tăng huyết áp (góp phần làm tổn thương mạch máu khiến dễ bị đột quỵ hơn).
- Tăng mỡ máu.
- Rung nhĩ, phì đại thất trái
- Bệnh đái tháo đường típ 2.
- Đau nửa đầu Migrain (đau nửa đầu có tiền triệu có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ).
- Hút thuốc lá.
- Lạm dụng thuốc (bao gồm cả thuốc kê đơn và không kê đơn).
- Uống rượu nhiều.
Triệu chứng của đột quỵ
Các triệu chứng của đột quỵ:
Các vùng khác nhau của não bộ kiểm soát các chức năng khác nhau, vì vậy các triệu chứng đột quỵ phụ thuộc vào vùng bị ảnh hưởng.
Các triệu chứng của đột quỵ có thể biểu hiện các dấu hiệu sau:
- Yếu hoặc liệt một bên cơ thể.
- Nói khó khăn hoặc mất khả năng nói.
- Thay đổi giọng nói.
- Liệt mặt một bên (méo miệng).
- Mất đột ngột, một phần hoặc toàn bộ của một hoặc nhiều giác quan (thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác).
- Nhìn mờ hoặc nhìn đôi.
- Mất khả năng phối hợp động tác hoặc vụng về (thất điều).
- Choáng váng hoặc chóng mặt.
- Buồn nôn và nôn ói.
- Cổ gượng.
- Co giật.
- Mất trí nhớ.
- Đau đầu (thường đột ngột và dữ dội).
- Lú lẫn hoặc kích động.
- Ngất xỉu. Hôn mê.
Cơn thoáng thiếu máu não
Các triệu chứng trên có thể còn tồn tại hoặc phục hồi hoàn toàn (đối với cơn thoáng thiếu máu não).
Tuy nhiên dù đã phục hồi hoàn toàn, người bệnh vẫn cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được đánh giá bởi vì cơn thoáng thiếu máu não là một dấu hiệu cảnh báo có thể sẽ diễn tiến thành nhồi máu não nếu không được điều trị thích hợp.
Chẩn đoán và xét nghiệm
Đột quỵ được chẩn đoán như thế nào?
Đột quỵ là một chẩn đoán lâm sàng được xác định bởi bác sĩ thần kinh, được hỗ trợ bởi hình ảnh học não bộ và các xét nghiệm khác.
Hình ảnh học của não.
Hình ảnh học giúp phân loại đột quỵ là thiếu máu hay xuất huyết, có 2 phương pháp chính:
- CT Scan sọ não: có thể thấy được chảy máu trong não hoặc nhu mô não bị tổn thương. Giúp chẩn đoán đột quỵ và xác định vị trí tổn thương trong não.
- MRI sọ não: có thể thấy được các tổn thương nhỏ trong não, giúp xác định chẩn đoán và gợi ý nguyên nhân.
- MRA: chụp cộng hưởng từ mạch máu: giúp đánh giá dòng máu đi trong các động mạch nuôi não.
- Siêu âm doppler động mạch cảnh: giúp đánh giá các mảng xơ vữa bên trong động mạch cảnh.
- Siêu âm tim và điện tim: giúp đánh giá và tầm soát nguyên nhân tim mạch gây đột quỵ.
Các thăm dò khác
Xét nghiệm máu có vai trò giúp đánh giá các yếu tố nguy cơ tim mạch dẫn đến đột quỵ để có thể quản lý lâu dài nhằm phòng ngừa đột quỵ tái phát và đánh giá hiệu quả điều trị.
Các xét nghiệm này bao gồm đánh giá: bilan mỡ máu, đường huyết, chức năng thận, chức năng đông máu, và một số dấu hiệu gợi ý của bệnh lý huyết học hay nhiễm trùng có thể thúc đẩy đột quỵ.
Ngoài ra xét nghiệm máu còn giúp đánh giá một số nguyên nhân có thể gây triệu chứng giống đột quỵ: hạ đường huyết, tăng đường huyết, tăng ammoniac máu trong bệnh gan…
Ngoài xét nghiệm máu cần đánh giá thêm về điện tim và siêu âm tim nhằm tìm kiếm các rối loạn nhịp có thể dẫn đột quỵ như rung nhĩ, cuồng nhĩ, hội chứng nút xoang bệnh lý, hoặc phát hiện các bất thường về cấu trúc tim có thể gây ra đột quỵ do lấp mạch từ tim.
Điều trị đột quỵ cấp
Điều trị đột quỵ được chia thành điều trị giai đoạn tối cấp và điều trị phòng ngừa tái phát. Điều trị giai đoạn tối cấp là cơ hội duy nhất để người bệnh có kết cục chức năng tốt hơn và trong nhiều trường hợp là giảm tỷ lệ tử vong.
Tuy nhiên, điều trị giai đoạn tối cấp chỉ có thể được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định kể từ khi người bệnh bị đột quỵ, và điều trị càng sớm thì hiệu quả càng cao do đó, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất có khả năng điều trị đột quỵ ngay lập tức sau khi nghĩ đến đột quỵ.
Việc đầu tiên trong điều trị đột quỵ cấp là phân loại đột quỵ, và chỉ có thể thực hiện được nhờ hình ảnh học sọ não. Bởi vì điều trị hai thể của đột quỵ là hoàn toàn khác nhau, do đó trước khi xác định là đột quỵ loại nào thì việc tốt nhất là đưa người bệnh đến cơ sở y tế nhanh nhất có thể được.
Đột quỵ thiếu máu
Sau khi xác định được loại đột quỵ là đột quỵ thiếu máu, ưu tiên hàng đầu là khôi phục lưu lượng máu đến các vùng não bị ảnh hưởng.
Để làm được điều này, hiện nay có hai phương pháp đang được sử dụng rộng rãi là dùng thuốc tiêu sợi huyết để làm tan cục máu đông, hoặc lấy huyết khối bằng dụng cụ qua đường nội mạch.
Tùy vào từng trường hợp mà có thể chọn một trong hai, hoặc cả hai để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Thuốc tiêu sợi huyết
Thuốc này có khả năng làm tan cục máu đông gây tắc động mạch não, giúp cải thiện lưu lượng máu và giúp người bệnh đạt được kết cục chức năng tốt hơn về mặt lâu dài so với không dùng thuốc.
Tuy nhiên đổi lại làm tăng nguy cơ xuất huyết khoảng 5% so với không sử dụng thuốc. Xuất huyết thì có thể là xuất huyết nội sọ hoặc các cơ quan khác và thay đổi từ nhẹ đến nặng.
Thường bác sĩ sẽ cân nhắc nguy cơ và lợi ích của thuốc để tư vấn cho người nhà và người bệnh để thống nhất có nên sử dụng thuốc hay không.
Có nhiều chống chỉ định, tức là có nhiều tình huống người bệnh không dùng thuốc này được, bác sĩ sẽ hỏi và kiểm tra trước khi quyết định sử dụng thuốc.
Lấy huyết khối bằng dụng cụ
Phương pháp này được sử dụng khi mạch máu bị tắc có kích thước từ trung bình trở lên. Một ống thông sẽ được đưa đến vị trí mạch máu não bị tắc, đường vào thường là động mạch ở đùi, hoặc động mạch ở tay. Bởi vì dụng cụ này đi trong lòng mạch máu nên phương pháp này được gọi là can thiệp lấy huyết khối nội mạch.
Phương pháp giúp tái thông mạch máu bị tắc với tỷ lệ thành công đến 90%, tuy nhiên cần hiểu là không phải mọi trường hợp được tái thông đều hồi phục tốt, nhưng nhìn chung kết cục về mặt chức năng lâu dài sẽ tốt hơn là không được can thiệp.
Cần hiểu là không phải mọi trường hợp tắc mạch máu não đều được thực hiện phương pháp này, việc quyết định sử dụng phương pháp này phải cân nhắc rất nhiều yếu tố tùy vào trường hợp cụ thể.
Tuy nhiên đối với cả 2 phương pháp (tiêu sợi huyết và lấy huyết khối bằng dụng cụ), người bệnh nhập viện càng sớm thì cơ hội của người bệnh càng lớn, và việc đến bệnh viện sớm hay trễ cũng là yếu tố cân nhắc có thực hiện cho người bệnh hay không.
Đột quỵ xuất huyết
Có 2 dạng đột quỵ xuất huyết là Xuất huyết não và xuất huyết khoang dưới nhện. 2 loại này có phác đồ điều trị khác nhau nhưng nhìn chung là tuân một số quy tắc cơ bản như sau.
Hạn chế xuất huyết thêm
Nếu không có chống chỉ định, huyết áp người bệnh thường được kiểm soát chặt chẽ theo phác đồ của từng loại bệnh.
Người bệnh cũng được đánh giá các vấn đề về đông máu để điều chỉnh khẩn cấp nhằm hạn chế việc chảy máu thêm.
Các nguyên nhân có thể xác định được như: túi phình mạch não, dị dạng mạch máu não, rò động tĩnh mạch… sẽ được giải quyết càng nhanh càng tốt để tránh xuất huyết tái phát.
Phẫu thuật
Đôi khi tình trạng xuất huyết não lớn dẫn đến tụt não và tăng áp lực nội sọ, khi đó có thể cần đến phẫu thuật mở nắp sọ và/hoặc lấy máu tụ để cứu mạng người bệnh.
Diễn tiến và tiên lượng
Đột quỵ có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Tình trạng này diễn tiến phức tạp và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại đột quỵ, vị trí tổn thương, kích thước vùng não bị tổn thương, tuổi tác và các bệnh lý kèm theo.
Diễn tiến tùy theo loại đột quỵ
Nhồi máu não
Khi tổn thương não rộng, khả năng thiếu sót chức năng sẽ cao. Nếu được can thiệp tái thông sớm, nguy cơ tàn phế có thể giảm.
Xuất huyết não
Xuất huyết não gây ra các triệu chứng nặng nề hơn, tiến triển nhanh chóng. Người bệnh có thể bị đau đầu dữ dội, co giật và hôn mê.
Triệu chứng đột quỵ kéo dài bao lâu
Triệu chứng đột quỵ kéo dài phụ thuộc vào thời gian thiếu máu nuôi tế bào não và mức độ hồi phục sau điều trị. Các triệu chứng có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng, với phần lớn sự hồi phục diễn ra trong 6-18 tháng đầu sau đột quỵ. Sau thời gian này, triệu chứng khó phục hồi hơn.
Khi nào người bệnh có thể quay lại công việc
Thời gian trở lại công việc sau đột quỵ khác nhau tùy vào tình trạng cụ thể của từng người bệnh. Điều quan trọng là không nên cố gắng quá sức để tránh nguy cơ đột quỵ tái phát hoặc các biến chứng khác.
Các biến chứng của đột quỵ
- Yếu liệt tay chân.
- Rối loạn ngôn ngữ hoặc nói khó.
- Nuốt khó, nuốt sặc.
- Viêm phổi: do vấn đề hạn chế vận động, nuốt sặc.
- Nhiễm trùng tiểu, tiểu không kiểm soát
- Cơn động kinh: do bất thường hoạt động điện của não.
- Trầm cảm: do phản ứng không mong muốn về cảm xúc và thể chất đối với những thay đổi hoặc thiếu sót do đột quỵ gây ra.
- Loét tì đè: nếu tư thế không được thay đổi thường xuyên.
- Yếu liệt chi và co rút cơ ở chi bị yếu liệt có thể gây đau.
- Đau khớp vai: ảnh hưởng lên tay bị yếu liệt.
- Huyết khối tĩnh mạch sâu: hình thành cục máu đông ở tĩnh mạch sâu ở chân do ít vận động.
Chế độ sinh hoạt sau khi bị đột quỵ
Chăm sóc, tập luyện sau đột quỵ.
Người bệnh cần có kế hoạch chăm sóc hỗ trợ dinh dưỡng, tập luyện phục hồi chức năng và điều trị phòng ngừa đột quỵ sau khi xuất viện. Bác sĩ và người nhà cần thảo luận để chọn biện pháp phù hợp nhất.
Điều trị thuốc phòng ngừa đột quỵ.
Sau cơn đột quỵ, người bệnh thường được chỉ định thuốc để ngăn ngừa cơn đột quỵ khác. Đối với nhồi máu não, sử dụng thuốc kháng kết tập tiểu cầu, hạ mỡ máu, hạ áp và các thuốc bảo vệ tế bào não. Đối với xuất huyết não, kiểm soát huyết áp và tầm soát nguyên nhân như rối loạn đông máu, dị dạng mạch máu não… là quan trọng.
Tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng.
Tập luyện giúp phục hồi chức năng sau đột quỵ. Các liệu pháp gồm:
- Trị liệu ngôn ngữ: Giúp phục hồi khả năng nói và kiểm soát cơ.
- Vật lý trị liệu: Cải thiện khả năng sử dụng tay, chân và thăng bằng.
- Trị liệu nghề nghiệp: Rèn luyện lại các hoạt động hàng ngày.
- Liệu pháp nhận thức: Giúp cải thiện trí nhớ và khả năng tập trung.
Chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Trầm cảm và lo lắng sau đột quỵ là phổ biến và có thể làm chậm quá trình hồi phục. Điều trị kịp thời các vấn đề tâm thần kinh sẽ hỗ trợ quá trình hồi phục.
Phòng ngừa
Phòng ngừa đột quỵ là điều vô cùng quan trọng, vì nó không chỉ giúp giảm nguy cơ bị đột quỵ mà còn ngăn ngừa các biến chứng và hậu quả nghiêm trọng mà đột quỵ có thể gây ra. Đột quỵ có thể dẫn đến tàn phế, giảm chất lượng cuộc sống, và trong nhiều trường hợp, có thể gây tử vong. Dưới đây là các biện pháp phòng ngừa đột quỵ chi tiết:
Cải thiện lối sống.
Bỏ thuốc lá
Hút thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất gây đột quỵ. Nó làm tăng nguy cơ nhồi máu não và xuất huyết dưới nhện. Nguy cơ đột quỵ sẽ giảm sau khi ngưng thuốc lá từ 2-4 năm. Vì vậy, khuyến cáo người bệnh nhồi máu não hoặc cơn thoáng thiếu máu não nên ngưng thuốc lá nếu có hút.
Tập thể dục
Ít hoạt động hoặc ngồi kéo dài làm tăng nguy cơ đột quỵ và bệnh lý tim mạch.
Tập thể dục đều đặn giúp cải thiện tuần hoàn máu, giảm nguy cơ béo phì, và kiểm soát các yếu tố nguy cơ khác như tăng huyết áp và đái tháo đường. Khuyến cáo tập thể dục với cường độ trung bình tối thiểu 10 phút mỗi lần, 3 lần mỗi tuần hoặc cường độ mạnh tối thiểu 20 phút mỗi lần, 2 lần mỗi tuần.
Chế độ ăn
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa đột quỵ.
Nên tuân theo chế độ ăn Địa Trung Hải, bao gồm nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo, thịt gia cầm, cá, các loại đậu, dầu thực vật phi nhiệt đới, và các loại hạt.
Hạn chế ăn đồ ngọt, đồ uống có đường, và thịt đỏ.
Giới hạn lượng calo từ chất béo bão hòa ở mức 5-6% và giảm lượng calo từ chất béo chuyển hóa.
Giới hạn lượng muối ăn trong ngày < 2.5g.
Giảm lượng các đồ uống có chứa caffeine như café, trà, nước ngọt…
Sử dụng rượu và chất gây nghiện
Sử dụng rượu và các chất gây nghiện làm tăng nguy cơ đột quỵ. Người bệnh nhồi máu não hoặc cơn thoáng thiếu máu não nên giảm hoặc ngưng uống rượu nếu có nghiện rượu nặng.
Sử dụng chất cấm đường tiêm chích cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng trong tim (viêm nội tâm mạc), dẫn đến nguy cơ đột quỵ.
Béo phì và giảm cân
Béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và nhồi máu não. Giảm cân giúp cải thiện huyết áp, đường huyết và nồng độ mỡ máu.
Điều trị béo phì bằng sự kết hợp giữa chế độ ăn kiêng, tập thể dục và can thiệp hành vi chuyên sâu.
Điều trị các bệnh lý làm tăng nguy cơ đột quỵ
Theo một số ước tính, việc điều trị tất cả các yếu tố nguy cơ đột quỵ chính, so với không điều trị, sẽ làm giảm 80% nguy cơ đột quỵ tái phát
Tăng huyết áp
Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất có thể điều trị được đối với đột quỵ. Kiểm soát huyết áp mục tiêu là <130/80 mmHg để giảm nguy cơ đột quỵ thầm lặng và sa sút trí tuệ mạch máu.
Đo huyết áp đúng kỹ thuật: đo sau nghỉ ngơi ít nhất 10 phút, ngồi trên ghế tựa, 2 chân đặt trên sàn nhà, tay có điểm tựa, cởi áo khoát ở tay đo huyết áp, máy đo cần được kiểm tra và hiệu chỉnh, bao vải quấn cánh tay đúng kích cỡ, đo nhiều lần trong ngày và trong nhiều ngày để có kết quả trung bình.
Rối loạn mỡ máu
Cholesterol cao là yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch cảnh, liên quan đến nhồi máu não.
Nên đo nồng độ cholesterol lúc đói từ 4 đến 12 tuần sau khi bắt đầu điều trị hạ cholesterol và mỗi 3 đến 12 tháng sau đó.
Nồng độ LDL-C mục tiêu là < 70mg/dL ở những người có tiền căn đột quỵ thiếu máu.
Đái tháo đường típ 2
Đái tháo đường làm tăng nguy cơ nhồi máu não gấp 2 lần, làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch cảnh.
Kiểm soát đường huyết bằng chế độ ăn, tập thể dục, thuốc hạ đường huyết. Điều trị mục tiêu cho đái tháo đường là HbA1C ≤7 %.
Ngưng thở khi ngủ
Người bệnh mắc chứng ngưng thở khi ngủ có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn. Điều trị ngưng thở khi ngủ giúp giảm nguy cơ đột quỵ
Bệnh tăng đông máu
Các bệnh lý như hội chứng kháng phospholipid, bệnh tăng huyết khối di truyền, và tình trạng tăng đông máu liên quan đến ung thư cần được điều trị để giảm nguy cơ đột quỵ.
Tăng Homocysteine máu:
Tăng Homocysteine có liên quan đến việc tăng nguy cơ nhồi máu não. Mặc dù việc điều trị chưa có bằng chứng rõ ràng, việc theo dõi và kiểm soát Homocysteine có thể hữu ích.
Xơ vữa động mạch cảnh
Nếu hẹp >70% và có triệu chứng, cần xem xét chỉ định bóc nội mạc động mạch cảnh hoặc đặt stent để ngăn ngừa đột quỵ
Điều trị thuốc kháng huyết khối
Điều trị chống tạo huyết khối
Điều trị chống huyết khối bằng thuốc chống tiểu cầu hoặc thuốc chống đông máu là một phần quan trọng trong phòng ngừa đột quỵ thứ phát cho người bệnh bị nhồi máu não hoặc cơn thoáng thiếu máu não (TIA)
Phòng ngừa thuyên tắc từ tim
Sử dụng kháng đông đường uống cho người bệnh rung nhĩ mạn tính đã bị nhồi máu não hoặc cơn thoáng thiếu máu não.
Sử dụng kháng đông làm tăng nguy cơ xuất huyết nhưng lợi ích phòng ngừa nhồi máu não vượt trội so với tác dụng phụ.
Ngoài rung nhĩ, các nguyên nhân gây tắc mạch tim tiềm ẩn khác mà liệu pháp chống đông máu có thể được chỉ định cho một số người bệnh chọn lọc bao gồm: van tim cơ học, huyết khối thất trái, bệnh cơ tim giãn nỡ, bệnh van tim hậu thấp, nhồi máu cơ tim gần đây.
Tài liệu tham khảo:
1. Stroke. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/5601-stroke.
2. Overview of secondary prevention of ischemic stroke. https://www.uptodate.com.
Nếu quý khách có nhu cầu khám bệnh và tư vấn điều trị về vấn đề đột quỵ xin liên hệ Phòng Khám BS. Bảo Quốc