Hướng Dẫn Xử Trí Cơn Co Giật
Những điều nên làm và không nên làm khi xử trí cơn co giật
Nên làm
Giữ cho người bệnh an toàn không bị chấn thương:
- Đỡ người bệnh nếu đang đứng để tránh té ngã sau đó nằm xuống sàn nhà.
- Bảo vệ đầu người bệnh không chấn thương. Có thể đặt vật mềm dưới đầu người bệnh (áo khoát, gối, khăn …).
- Tháo lỏng các thứ quấn quanh cổ (cà vạt, khăn quàng…).
- Di chuyển các vật cứng sắc nhọn ra xa bệnh nhân.
- Nếu người bệnh lú lẫn và tự đi lại (trong hoặc sau cơn), nên giữ người bệnh tránh xa những nơi nguy hiểm như cầu thang, đường giao thông, vật nhọn, ao hồ…
Đặt người bệnh nằm nghiêng sang 1 bên. (hình minh họa)
- Miệng hướng xuống đất giúp nước bọt hoặc dịch ói chảy ra ngoài, tránh hít sặc vào phổi.
Quan sát và theo dõi nhịp thở, kiểm tra nhịp mạch nếu biết cách đánh giá.
Sau khi ngưng cơn co giật, nhưng người bệnh chưa tỉnh lại hoàn toàn:
- Trấn an người bệnh và ở bên cạnh người bệnh cho đến khi tỉnh lại hoàn toàn.
- Giải thích cho người bệnh những gì xảy ra nếu người bệnh bối rối hoặc sợ hãi.
- Giải tán đám đông xung quanh để người bệnh có khoảng không gian riêng.
- Sắp xếp người đưa người bệnh về nhà hoặc gọi taxi đưa người bệnh về.
Ghi nhận thông tin:
- Thời điểm xảy ra cơn co giật.
- Khoảng thời gian cơn co giật kéo dài.
- Các biểu hiện trước cơn co giật: tình huống xuất hiện cơn, than phiền, cảm giác của người bệnh, vận động bất thường…
- Các biểu hiện trong cơn co giật của người bệnh: co giật, xoay đầu mắt…
Nếu có nhiều người trợ giúp, thì có thể quay video cơn co giật của người bệnh để cung cấp thông tin cho nhân viên y tế.
Không nên làm
Không được đặt bất kỳ đồ vật nào vào trong miệng người bệnh:
Vì có thể làm gãy răng người bệnh hoặc làm gãy các đồ vật gây sặc vào phổi.
- Không đưa ngón tay vào miệng người bệnh.
- Không cho người bệnh ăn hoặc uống đến khi phục hồi ý thức hoàn toàn.
- Không cần hô hấp nhân tạo nếu người bệnh gồng cứng không thở được trong cơn co giật, trừ khi người bệnh ngưng thở quá lâu (thông thường người bệnh tự thở lại được trong vòng 1-2 phút).
Không được giữ chặt đầu hoặc cơ thể của người bệnh khi đang co giật. Vì có thể làm trật khớp hoặc gãy xương của bệnh nhân.
Không được di chuyển người bệnh, trừ trường hợp người bệnh đang ở vị trí nguy hiểm (trên đường lộ, trên cầu thang, hoặc dưới nước..)
Xử trí người bệnh có cơn co giật khi đang ngồi xe lăn
- Khoá bánh xe lăn.
- Để người bệnh tiếp tục ngồi trên xe lăn với dây an toàn được cài.
- Hạ ghế tựa phía sau, không nghiêng nguyên xe lăn.
- Nghiêng nhẹ người bệnh sang 1 bên để thức ăn, dịch hoặc dịch ói trong miệng chảy ra ngoài.
- Đỡ vùng đầu người bệnh và bảo vệ đường thở khi cần thiết.
- Sau khi ngưng co giật đưa nhẹ nhàng người bệnh ra khỏi xe lăn và đặt người bệnh nằm ở tư thế nằm nghiêng.
Khi nào cần gọi xe cấp cứu hoặc đưa đến bệnh viện
- Người bệnh bị chấn thương trong cơn co giật.
- Người bệnh lần đầu bị co giật (chưa biết được nguyên nhân gây co giật).
- Người bệnh đang có thai.
- Người bệnh có ói, hoặc có dịch hay thức ăn trong miệng.
- Cơn co giật xảy ra ở dưới nước (hồ bơi, bồn tắm…).
- Người bệnh khó thở hoặc đi đứng khó sau khi ngừng co giật.
- Cơn co giật kéo dài trên 5 phút, hoặc không biết thời điểm khởi phát.
- Có cơn co giật tái phát lần 2 khi người bệnh chưa tỉnh lại.
- Sau khi ngưng co giật hơn 15 phút mà người bệnh vẫn chưa tỉnh lại.
- Người bệnh yêu cầu được hổ trợ y tế.
Tài liệu tham khảo:
- Helping Someone Having a Seizure [online]. Available at: https://www.epilepsy.org.au/wp-content/uploads/2017/10/EAA-FIRST-AID-POSTER-2017-New-LOGO-updated-with-contacts.pdf.
Nếu quý khách có nhu cầu khám bệnh và tư vấn điều trị về vấn đề động kinh xin liên hệ Phòng Khám BS. Bảo Quốc
Các bài viết về động kinh
Kênh TikTok về động kinh
Số lượt xem: 232- Trong ngày: 1