Hướng Dẫn Xử Trí Sốt Cao Co Giật Ở Trẻ Em

Tổng quan về sốt cao co giật
Sốt cao co giật là những cơn co giật xảy ra ở trẻ từ 6 tháng – 5 tuổi và có nhiệt độ cao hơn 38ºC. Phần lớn các cơn sốt cao co giật xảy ra ở trẻ từ 12 đến 18 tháng tuổi.
Sốt cao co giật xảy ra ở 2 – 4% trẻ dưới năm tuổi. Chúng có thể gây hoảng sợ khi chứng kiến, nhưng không gây tổn thương não hoặc ảnh hưởng đến trí thông minh.
Có một cơn sốt cao co giật không có nghĩa là trẻ mắc bệnh động kinh. Bệnh động kinh được định nghĩa là có hai hoặc nhiều hơn các cơn co giật không liên quan đến sốt, và nguy cơ tái phát cao.
Triệu chứng của sốt cao co giật
Sốt cao co giật thường xảy ra vào ngày đầu tiên của bệnh, và trong một số trường hợp, cơn co giật là dấu hiệu đầu tiên cho thấy trẻ bị bệnh. Phần lớn các cơn co giật xảy ra khi nhiệt độ cao hơn 39ºC.
Hầu hết các cơn sốt cao co giật gây ra:
- Co giật hoặc giật cơ hoặc cử động nhịp nhàng ở mặt, tay hoặc chân.
- Giảm hoặc mất ý thức trong khi co giật và sau khi ngưng cơn co giật khoảng thời gian ngắn.
- Kéo dài dưới một đến hai phút. Ít gặp hơn, cơn co giật kéo dài 15 phút hoặc hơn.
Xử trí cơn co giật tại nhà
Những điều nên làm
Cha mẹ chứng kiến cơn sốt cao co giật của con mình nên thực hiện một số bước để ngăn trẻ tự làm tổn thương mình.
- Đặt trẻ nằm nghiêng trên giường hoặc sàn nhà, với đầu nằm lên cánh tay bên dưới đang được duỗi ra.
- Kiểm tra trong miệng trẻ có thức ăn hay dị vật gì không, có bị tắc nghẽn đường thở hay không.
- Bảo vệ đầu của trẻ bằng bàn tay hoặc vật mềm (gối, mềm, quần áo).
- Di chuyền các đồ vật nguy hiểm ra xa trẻ.
- Tháo lỏng quần áo, khăn choàng quanh đầu và cổ, tháo mắt kính.
- Kiểm tra xem thời gian co giật kéo dài bao lâu.
- Quan sát kiểu thở của trẻ, xem mặt trẻ có tím tái hay không.
- Các cơn co giật kéo dài hơn năm phút cần được điều trị ngay lập tức.
- Một phụ huynh nên ở lại với trẻ trong khi phụ huynh khác gọi sự trợ giúp y tế khẩn cấp.
Điều trị hạ sốt
Sau khi cơn co giật đã dừng, bắt đầu điều trị hạ sốt (khi nhiệt độ cao hơn 38ºC), thường bằng cách cho uống hoặc đặt trực tràng paracetamol hoặc ibuprofen.
Đối với trẻ em đã có sốt cao co giật, điều trị bằng thuốc hạ sốt khi bị sốt giúp:
- Trẻ bị sốt cảm thấy dễ chịu hơn.
- Và giảm nguy cơ tái phát sốt cao co giật trong lần sốt này.
- Nhưng không giúp giảm nguy cơ tái phát sốt cao co giật trong các đợt sốt sau này.
Không khuyến khích sử dụng thuốc hạ sốt nếu trẻ chưa bị sốt.
Cách sử dụng Paracetamol
Các tên thuốc trên thị trường: Panadol, Efferalgan, Acemol, Tynelol…
Sử dụng đường uống hoặc đặt trực tràng nếu không uống được (Efferalgan Suppository)
Liều dùng: 10-15mg/kg (tối đa 1000mg/lần), lập lại mỗi 4-6h (không quá 75mg/kg/ngày và không quá 4000mg/ngày). Bắt đầu tác dụng sau 30-60 phút
Tác dụng phụ: dị ứng da (hiếm gặp), tăng men gan.
Cách sử dụng Ibuprofen
Sử dụng cho trẻ lớn hơn 6 tháng tuổi.
Sử dụng dưới dạng viên hoặc dung dịch.
Liều dùng: 10mg/kg (tối đa 600mg/lần), lập lại mỗi 6h (không quá 40mg/kg/ngày và không quá 2400mg/ngày). Bắt đầu tác dụng sau ít hơn 60 phút.
Tác dụng phụ: viêm dạ dày, xuất huyết dạ dày ruột, tổn thương thận.
Uống khi no để giảm nguy cơ ảnh hưởng dạ dày.
Điều trị phối hợp giữa Paracetamol và Ibuprofen
Không khuyến cáo sử dụng phối hợp giữa Paracetamol và Ibuprofen để điều trị sốt cho trẻ em.
Tuy nhiên nếu không hạ được sốt khi uống 1 loại thuốc sau 4 giờ thì có thể chuyển sang thuốc thứ 2 hoặc phối hợp 2 thuốc với nhau.
Lau mát bằng nước ấm
Lau mát được sử dụng khi trẻ không đáp ứng với thuốc hạ sốt hoặc đang sốt cao cần hạ nhiệt độ nhanh chóng.
Tuy nhiên lau mát chỉ nhiệt độ cơ thể trong thời gian ngắn và có thể làm tăng sự khó chịu cho trẻ. Và cần sử dụng phối hợp giữa lau mát và thuốc hạ sốt chứ không nên chỉ lau mát đơn thuần.
Lau bằng nước ấm khoảng 30°C. Lau mát thi hiệu quả hơn so với ngâm người trẻ trong nước vì sự bay hơi nước từ da làm tăng cường hạ nhiệt độ. Không nên lau bằng nước quá lạnh.
Điều trị phòng ngừa co giật
Trong hầu hết các trường hợp, không khuyến khích điều trị thuốc chống co giật để ngăn ngừa các cơn co giật trong tương lai, vì tác dụng phụ của các thuốc chống co giật sử dụng hàng ngày có thể nhiều hơn so với lợi ích.
Khi nào cần đưa trẻ đến khám tại bệnh viện
Hãy đưa con bạn đến bác sĩ khám ngay sau cơn sốt cao co giật nếu có 1trong các tình huống sau:
- Cơn co giật lần đầu tiên.
- Cơn co giật kéo dài hơn 5 phút.
- Cơn co giật chỉ khu trú ở 1 bên cơ thể.
- Có nhiều hơn 1 cơn co giật trong vòng 24 giờ.
- Co giật kèm theo nôn ói. Có dấu hiệu của sặc thức ăn.
- Co giật kèm cổ cứng, thóp trên đỉnh đầu phồng lên. Có biểu hiện đau đầu, đau bụng, phát ban ngoài da, sốt kéo dài trên 3 ngày, có dấu mất nước (môi khô, không đi tiểu kéo dài).
- Trẻ nhỏ hơn 2 tháng tuổi.
- Co giật kèm khó thở hoặc tím tái.
- Bị chấn thương trong khi co giật.
- Sau co giật ngủ li bì, gọi không thức kéo dài hơn 1 giờ.
- Không trả lời hoặc không làm theo yêu cầu sau khi ngừng cơn co giật trên 1 giờ.
Đánh giá và điều trị sốt cao co giật
Trẻ bị sốt cao co giật nên được đưa đến gặp nhân viên y tế càng sớm càng tốt (tại phòng cấp cứu hoặc phòng khám) để xác định nguyên nhân gây sốt.
- Cơn sốt cao co giật ngắn: hầu hết các cơn sốt cao co giật đã kết thúc khi trẻ được gặp nhân viên y tế. Nếu cơn co giật tự ngừng và trẻ hồi phục nhanh chóng, thì không cần sử dụng thuốc chống co giật. Sau một cơn sốt cao co giật đơn giản, hầu hết trẻ không cần phải ở lại bệnh viện trừ khi cơn co giật do một nhiễm trùng nghiêm trọng cần điều trị.
- Cơn sốt cao co giật kéo dài: điều trị cho các cơn co giật kéo dài thường cần dùng thuốc chống co giật và theo dõi nhịp tim, huyết áp và hô hấp của trẻ.
- Có thể sử dụng Diazepam đường trực tràng hoặc Midazolam đường mũi tại nhà nếu cơn co giật kéo dài hơn 5 phút.
Nguy cơ sốt cao co giật tái phát
Trẻ bị sốt cao co giật có nguy cơ bị sốt cao co giật tái phát; điều này xảy ra ở khoảng 30 – 35% các trường hợp.
Sốt cao co giật tái phát không nhất thiết xảy ra ở cùng nhiệt độ như đợt đầu tiên và không luôn xảy ra mỗi khi trẻ bị sốt.
Phần lớn các đợt tái phát xảy ra trong vòng một năm sau cơn co giật ban đầu và hầu hết đều xảy ra trong vòng hai năm sau.
Nguy cơ sốt cao co giật tái phát cao hơn ở trẻ có các đặc điểm sau:
- Tuổi còn nhỏ (dưới 15 tháng).
- Có sốt thường xuyên.
- Có cha mẹ hoặc anh chị em đã từng bị sốt cao co giật hoặc bệnh động kinh.
- Có khoảng thời gian từ khi bắt đầu sốt đến khi xuất hiện co giật ngắn.
- Có cơn co giật khi chỉ bị sốt nhẹ.
Nguy cơ một đứa trẻ sẽ phát triển thành bệnh động kinh sau một cơn sốt cao co giật đơn giản duy nhất thì chỉ cao hơn một chút so với một đứa trẻ chưa bao giờ bị sốt cao co giật. (bệnh động kinh là khi nguy cơ cao tái phát cơn co giật trong tương lai mặt dầu không bị sốt).
Theo dõi sự phát triển
Trí thông minh và các yếu tố khác của sự phát triển não bộ dường như không bị ảnh hưởng bởi sốt cao co giật, cho dù cơn co giật là đơn giản, phức tạp, hay tái phát, hoặc cho dù xảy ra trong bối cảnh nhiễm trùng hay sau tiêm chủng.
Cách đo nhiệt độ cho trẻ em
Trong mọi trường hợp, nhiệt độ đo ở trực tràng là chính xác nhất.
Tuy nhiên, đo nhiệt độ trong miệng (đối với trẻ trên 4 hoặc 5 tuổi) là chính xác khi thực hiện đúng cách.
Nhiệt độ đo ở nách, tai và trán ít chính xác hơn nhưng có thể hữu ích như một kiểm tra ban đầu.
Không khuyến khích sử dụng nhiệt kế thủy tinh, vì nếu làm vỡ có thể gây ngộ độc do thủy ngân rơi ra ngoài. Nếu không có các loại nhiệt kế điện tử khác, phải cận thận khi “vẫy” nhiệt kế thủy tinh trước khi sử dụng.
Đo nhiệt độ ở nách
Đặt đầu nhiệt kế vào nách khô của trẻ. Giữ nhiệt kế cố định bằng cách giữ khuỷu tay của trẻ sát vào ngực trong 4 đến 5 phút.
Đo nhiệt độ ở tai
Để đo nhiệt độ trong tai, cha mẹ phải kéo tai ngoài của trẻ ra sau trước khi đưa nhiệt kế vào. Đầu dò tai được giữ trong tai trẻ đến khi nào nhiệt kế báo đo xong. Nếu trẻ vừa ở ngoài trời lạnh, đợi 15 phút trước khi đo nhiệt độ tai. Nhiễm trùng tai và ống tay ngoài không ảnh hưởng đến độ chính xác của nhiệt độ tai.
Đo nhiệt độ ở miệng
Làm sạch nhiệt kế bằng nước mát và xà phòng. Rửa lại bằng nước. Không đo nhiệt độ trong miệng trẻ nếu trẻ đã sử dụng thức ăn hoặc đồ uống nóng hoặc lạnh trong vòng 30 phút qua. Đặt đầu nhiệt kế dưới lưỡi của trẻ về phía sau. Yêu cầu trẻ giữ nhiệt kế bằng môi. Giữ môi kín quanh nhiệt kế. Nhiệt kế thủy tinh cần khoảng 3 phút, trong khi hầu hết các nhiệt kế kỹ thuật số cần ít hơn 1 phút.
Đo nhiệt độ ở trực tràng
Trẻ hoặc trẻ nhủ nhi nên nằm sấp trên đùi của người lớn. Thoa một lượng nhỏ Vaseline lên đầu nhiệt kế. Nhẹ nhàng đưa nhiệt kế vào hậu môn của trẻ. Đầu bạc của nhiệt kế nên nằm 6-12 mm bên trong trực tràng. Giữ nhiệt kế cố định. Nhiệt kế thủy tinh cần 2 phút, trong khi hầu hết các nhiệt kế kỹ thuật số cần ít hơn 1 phút.
Tài liệu tham khảo:
-
Patient education: Febrile seizures (Beyond the Basics). https://www.uptodate.com
Để có thêm thông tin về bệnh Sốt Cao Co Giật xin xem thêm bài viết: Sốt Cao Co Giật ở Trẻ Em